Monday, June 3, 2024

C84: Thiên Nhiên Không Vội

 C84: Thiên Nhiên Không Vội


Lão Tử có câu: “Tự Nhiên không vội vàng nhưng tất thảy đều toàn thiện.”


Lú lẫn thế nào mà ở đời phàm là chuyện gì quan trọng hắn đều vội vội vàng vàng làm cho xong. Để rồi lại lẩn thẩn nhẩm đi nhẩm lại câu nói ấy. 


Những gì của Thiên Nhiên đều toàn thiện trọn lành, còn những gì do con người đều bất toàn khiếm khuyết.


Ví dụ về nước: Nước chảy liên tục trong sông ngòi thì sạch và an toàn ở mức nhất định cho muôn thú cũng như con người uống.


Con người ngăn dòng tích nước, làm thủy điện hay bể chứa. Rồi lại dùng hoá chất để làm sạch nước. Bởi nước tù đọng chứa chất một chỗ thì luôn có vi khuẩn sinh sôi. Chưa hết, phải bơm lên bơm xuống liên tục biết bao công suất cho sự lãng phí tiện dùng ...


Bệnh tật nảy sinh thì phần nhiều đều liên quan đến nước.


Lại nói về sữa: 


Sữa mẹ thì sẵn sàng vốn được tạo hoá mặc định là để con bú thẳng. Loài nào cũng thế, chỉ riêng loài người. Con người nghĩ ra máy vắt sữa, tay cầm vắt sữa bằng silicon. Vắt ra rồi đong vào chai lọ, cho con bú từ chai lọ ấy. Lợi bất cập hại, bao nhiêu vi khuẩn sinh sôi, bao nhiêu công đoạn rửa sạch tiệt trùng đồ nghề. Rửa không sạch, con liền đau bụng. Rồi lại còn trữ sữa trong ngăn đá. Sữa mẹ vốn nhiều kháng thể sống (tế bào bạch cầu di chuyển liên tục) khi làm đông lạnh rồi thì nó là tế bào chết. Còn gì tốt nữa?


Chưa hết, còn sữa bột, sữa đặc có đường, sữa bò tiệt trùng, ... con người vốn vẫn luôn nghĩ và tạo ra được rất nhiều thứ rồi đua theo nhau như một lối sống thời đại. Mặc kệ việc cơ thể người có được thiết kế để hấp thu chúng hay không. Loài người là động vật ăn uống tạp đáng gờm nhất. Cà phê - sữa đá làm tim đập nhanh, máu tăng lên não, dạ dày cồn cào, gây tác dụng tỉnh táo tức thời, tưởng là tốt nhưng bất cứ thứ gì phụ nữ có thai và cho con bú không nên dùng thì thứ ấy không phải là thứ tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên các nhà buôn cà phê thì luôn phải quảng cáo những điều tốt để bán hàng.


Bao nhiêu thứ thuộc về thiên nhiên thì đều trọn hảo, bao nhiêu thứ thuộc về con người thì lệch lạc bất toàn. 


Đến đỗi con người biệt lập khỏi tất thảy thiên nhiên và khoá mình trong những vách tường chật hẹp, coi đó là tiện nghi sung sướng an khang. Mở rộng thêm những đô thị để lại phải tích thêm nhiều bể chứa, dùng thêm điện năng, thắp sáng đêm cũng như ngày ...


Những ngọn gió bị tù đầy nơi phố phường đưa thêm bệnh dịch, ma đạo biết điều này nên trong chiều không gian khác đã sáng chế ra nhiều vi khuẩn. Vi khuẩn là sự sống. Vi khuẩn có khắp mọi nơi, khoa sinh vật học còn nói con người vốn là một loại vi khuẩn cao cấp. Ấy vậy mà cao cấp lại phải sợ thấp cấp hay sao?


Muôn sự vạn vật đối với Đấng Thiên Cổ chỉ như hằng hà sa số vi khuẩn nhỏ bé vô cùng. Tuy bé nhỏ nhưng sinh sôi vô hạn... Ai độ cho tất thảy Hồng Trần? 


A Di Đà Phật! 

Allah!

Amen!


A Đù (một Ma đã tu thành chín quả) từng nói với A Đường: “Tiên Ma vốn đồng đẳng, Phật kia cũng là chúng sinh mà thôi. Đến tột cùng đều không hề khác biệt. Chỉ là ai nấy đều đang đi những đạo lộ cung đường.


Lưu ý: Đường ở đây là Đường Tâm Thức. 


Tại sao người ta có thể đi hàng ngàn hàng vạn cung đường trần gian (như dân vận tải, chuyên chở - transport) nhưng không thể đi một con đường tâm thức thiêng liêng nào trong suốt cuộc đời?


Là bởi vì những chuyên chở của họ chỉ là hàng hoá “Trần gian”, là tục sự “Hồng trần”, là những gì “Hữu hạn”, giới định trong khuôn khổ tải trọng “Phàm ngã”.


Nhưng khi hướng mọi phương tiện vận tải, mọi chuyên chở, chú ý vào “con đường” Tình Yêu Thương Vô Hạn - Vô Điều Kiện, để ngày ngày đi lại trên cung đường ấy, thì ta trở thành một khí cụ, vận chuyển Tình Yêu - Sự Sống. 


Thậm chí không cần ai biết tới, không một bạn đồng hành cộng sự. Một mình ta đi đi về về, độc lai độc vãng trên đường tâm thức. Thì sự chuyên chở, vận tải ấy có ảnh hưởng gì? Lặp đi lặp lại những lối mòn đi tới Tình Thương như thế, có gì là mệt mỏi? Khi việc này là hoan lạc, tự lợi, thực chứng duy nhất trong mọi cuộc đời. Cần gì phải chứng minh, tỏ lộ với bất kỳ ai nếu không được hỏi.”


Hắn lơ mơ nghĩ về những tập đoàn vi khuẩn đi đi về về trong không trung, đất và nước, trong phân và trong bụng hắn... về những cơn sốt khi các Tình Yêu giao tranh, thắng thế hay lui dần... về sự sinh ra và biến chuyển của những con vi khuẩn... không bao giờ chết...


Rồi thương sao sự sống muôn trùng ...









C83: Cao Thượng Nao Nào

 C83: Cao Thượng Nao Nào


Con người thường nhìn vào lỗi sai và tiêu cực của kẻ khác mà không phải chính mình. Và bởi vì từ trong vô thức ai cũng có bản ngã - cái tôi, coi mình là quan trọng nhất, người ta thường tập trung vào nỗi đau của bản thân mà quên đi nỗi đau của kẻ khác. Ấy là bản năng mà thú loài cũng có. 


Sau khi than thở nói xấu sau lưng hay trước mặt với một người bạn phương xa về việc phải ở chung với một người độc tài, gia trưởng ... thì A Đường bỗng thấy day dứt áy náy vô cùng. Bởi nhẽ chỉ nên nhìn những điểm tốt của người. Dù có vài điểm không tốt thì cũng nên hiểu vì sao mà thế. 


Người “độc tài” thường do đã tôi luyện, ép buộc cảm xúc hay thân thể của bản thân lâu đến độ cực đoan hoá (ngôn ngữ hiện đại gọi nhanh là stress). Như khi xưa Đức Phật Thích Ca đã độc tài đến độ chế hàng trăm giới cấm cho tăng đoàn, bắt phải tuân thủ. Còn “gia trưởng” đến độ bản thân mình thì để tóc trong khi yêu cầu tất cả tăng đoàn phải cạo trọc!


Ấy nhưng thật, cũng phải có người gia trưởng thì gia quy, gia phong, gia đình mới được nề nếp theo đúng tác phong của người lãnh đạo. 


Hắn xưa nay không hợp làm lãnh đạo bởi cá tính mềm mỏng dễ chiều. Tuy nhiên bởi đời này đời nọ luôn theo hầu những vị độc tài nên thâm sâu cũng bị ảnh hưởng tính cách đáng sợ đó. Quả thực thậm chí đến độ coi những kẻ độc tài rất ngầu, rất có khí chất, hay ho, đáng ngưỡng mộ. Dĩ nhiên độc tài điều ác thì khác, như Hitler vậy ...


Hắn luôn muốn lười được và được lười. Bởi coi không gì sướng bằng sự lười chỉ việc ăn rồi ngủ ngày dài qua tháng rộng, chẳng bận lo toan bất cứ việc gì. Hắn đã quả quyết kết thân với một người luôn ép bản thân bận tối mắt tối mũi, trách nhiệm đầy mình! Cốt là để cho có kẻ lo hộ mọi chuyện. Đời ấy kiếp ấy đã được thỏa nguyện!


Lười được và được lười cũng là một nghệ thuật sống. Tuy nhiên đến một độ lười không thể hơn được nữa thì hắn ngộ rằng sự lười biếng là chết chóc. Hắn đã nằm dài trong mê mê tỉnh tỉnh về thế giới ảo, mặc cho thực tại hiện tiền bề bộn những buộc ràng ai ai. 


Muốn ăn thì phải làm, muốn có tiền thì phải kiếm, muốn gặt hái thì phải trồng trọt. Chứ không làm, mà cứ ăn cứ hưởng thì cái “lộc” cái “phúc” đó đâu thể bền lâu. Người đồng hành cứ rên lên mỗi ngày vì việc hắn lười đến nỗi chỉ ăn rồi ngủ kể từ khi về cùng một nhà.


Hắn áy náy vô cùng vì dẫu sao quả thực lười biếng là một trong 7 trọng tội ở đời. Tuy biết sai nhưng vẫn không sửa, ấy lại là một tội nữa. Vậy nên khi sen kia bưng đến tận lều cốc cháo vào mỗi sáng với câu nhắc quen tai: “Jesus comes to serve, not to be serve.” Hắn lại mắt nhắm mắt mở gào lên không ăn, đừng serve nữa! Song kẻ độc tài nọ vẫn kiên quyết bắt ăn để có sữa cho con. 


Luôn bén duyên và có hấp dẫn lực với những kẻ độc tài, mẹ đẻ hắn cũng độc tài đến cao độ. Có lẽ chăng hắn còn thiếu trong chính mình một sự dứt khoát và kiên định nào đó? 


Điều gì đó cứng cỏi như kim cương hay sắt đã tôi rèn? Như khí cụ để làm gì đó cho thỏa chí một đời! ... Một đời xa xăm nào?!


Chẳng biết, thôi thì một kiếp ấy đời này, cứ trong thân nữ “kém phúc”, “hèn mọn”, “hạ tiện” như có lời kinh sách nói. Quanh đi quẩn lại một xó bếp góc lều...


Biết đâu tất cả mọi sự hạ tiện ấy lại sinh ra những cao thượng nao nào ...